Phát huy bản lĩnh, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước bước ngoặt quan trọng của đất nước
Trong
lịch sử cách mạng Việt Nam, mỗi bước ngoặt quan trọng đều đặt ra những lựa chọn
đòi hỏi bản lĩnh, trách nhiệm, thậm chí là tinh thần dũng cảm chấp nhận hy sinh
lợi ích của mỗi cá nhân.
Hiện
nay, cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị lại
tiếp tục đặt ra những đòi hỏi ấy đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên và mỗi người Việt Nam yêu nước...
Cách
đây 50 năm, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam được giải phóng, non
sông nối liền một dải, một kỷ nguyên mới mở ra với dân tộc Việt Nam-kỷ nguyên
hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Như một sự
lựa chọn của lịch sử, sau ngày giải phóng miền Nam tròn nửa thế kỷ, chúng ta
lại vững bước tiến vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên phát triển giàu mạnh và thịnh
vượng.
Để
tạo đà vươn, sức bật, củng cố nền tảng thực hiện thành công những mục tiêu
chiến lược trong giai đoạn mới, Đảng ta đang quyết liệt, khẩn trương lãnh đạo,
chỉ đạo thực hiện một cuộc cách mạng mới-cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ
chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Từ
khi có chính quyền, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã vượt qua
muôn vàn thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác để Việt Nam
"chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày
nay". Vậy nhưng, không có chiến thắng nào được “trải bằng hoa hồng”, mà
đòi hỏi những người dấn thân với cách mạng và những người Việt Nam yêu nước
phải kiên gan, bền chí, dám chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân vì mục tiêu chung
của cả dân tộc.
Với
cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hiện nay cũng vậy. Tuy không
phải đối đầu với kẻ thù thực dân, đế quốc nhưng vẫn đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng
viên và quần chúng nhân dân cần phải kiên định, bản lĩnh, trách nhiệm trước
những đòi hỏi từ bước ngoặt lịch sử của dân tộc.
Việc
sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được Đảng, Nhà nước,
các cấp chính quyền xác định chủ trương, xây dựng kế hoạch với lộ trình, bước
đi cụ thể và công khai tới toàn thể nhân dân. Mục đích của sắp xếp, tinh gọn
nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy; giảm bớt đầu
mối tổ chức, giảm tầng nấc trung gian, giảm biên chế; tiết kiệm chi ngân sách,
nâng cao chất lượng thực hiện các nhiệm vụ chính trị và phục vụ người dân,
doanh nghiệp, đồng thời mở rộng không gian phát triển của mỗi địa phương... Vì
vậy, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là nhiệm vụ quan
trọng, cấp bách, có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của đất nước trong
giai đoạn mới.
Với
sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc thực hiện nghiêm
túc của các ban, bộ, ngành, địa phương, theo thông tin được Ban Tuyên giáo và
Dân vận Trung ương công bố đầu tháng 3-2025, công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức
bộ máy đã đạt được những kết quả đáng kể: Giảm 4 cơ quan Đảng trực thuộc Trung
ương; 25 ban cán sự đảng; 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương; 5 cơ quan Quốc
hội; 5 bộ và 3 cơ quan trực thuộc Chính phủ; 30 đầu mối cấp tổng cục; 1.025 đơn
vị cấp cục, vụ và tương đương; 4.413 đầu mối cấp chi cục, phòng và tương đương;
240 đơn vị sự nghiệp. Cùng với đó, tại các địa phương cũng đã giảm 466 sở,
ngành và cấp tương đương; 644 đoàn, đảng đoàn và ban cán sự đảng; 3.984 đơn vị
cấp phòng và tương đương; 27 đảng bộ cấp trên trực tiếp và các tổ chức cơ sở
đảng. Hiện nay, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, tổ chức lại đơn
vị hành chính cấp xã và thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp đang
được triển khai khẩn trương, quyết liệt.
Một
kết quả có ý nghĩa quan trọng khác là cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức
bộ máy nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần
chúng nhân dân; nhiều người đã đạt được nhận thức chung rằng, đây chính là thời
điểm, thời cơ lịch sử đưa đất nước phát triển mạnh mẽ. Việc sắp xếp, tinh gọn
bộ máy của chúng ta cũng được bạn bè quốc tế đánh giá cao, có những quốc gia
coi đây là mô hình để nghiên cứu, học hỏi. Ở các ban, bộ, ngành, địa phương,
thời gian qua, nhiều cán bộ có chức vụ đã tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi để
tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng, hiệu quả sắp xếp bộ máy
cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Tuy
nhiên, thực tế quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy cũng xuất hiện những
vấn đề liên quan đến nguyện vọng, tâm tư, tình cảm, nhất là những tổ chức, cá
nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp. Đó là những vấn đề đã được lãnh đạo Đảng, Nhà
nước và các cơ quan chức năng đánh giá, dự liệu từ sớm để xây dựng cơ chế,
chính sách hợp lý, nhằm giải quyết thấu tình, đạt lý. Nhìn ở góc độ khác, có
nhiều ý kiến tích cực cho rằng, quá trình sắp xếp, tinh gọn cũng là cơ hội để
nhiều người bước ra khỏi “vùng an toàn”, thể hiện bản lĩnh, khả năng và sự năng
động, sáng tạo ở những lĩnh vực mới, môi trường mới. Về vấn đề sắp xếp đơn
vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, dư
luận xã hội cũng xuất hiện những băn khoăn, như nên sáp nhập đơn vị nào với đơn
vị nào; nên đặt tên tỉnh, xã mới thế nào; việc sáp nhập liệu có làm mai một hay
mất đi lịch sử, truyền thống, văn hóa của các địa phương?...
Có
thể khẳng định, việc sắp xếp đơn vị hành chính đã được các cơ quan có thẩm
quyền nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của
từng địa phương, khu vực, vùng miền; có tính toán, cân nhắc cụ thể những yếu tố
lịch sử, văn hóa; có nghiên cứu, tham khảo mô hình chính quyền của một số quốc
gia... Cũng phải thẳng thắn rằng, thỏa mãn mong muốn của tất cả mọi người trong
sắp xếp đơn vị hành chính là bất khả thi và dễ dẫn đến tình trạng “đẽo cày giữa
đường”, trong khi những đòi hỏi từ thực tiễn không cho phép chúng ta có thể
chậm trễ hơn, mà ngược lại, phải nỗ lực, khẩn trương theo tinh thần “vừa chạy
vừa xếp hàng”. Thực tiễn cũng đã chứng minh, những trầm tích lịch sử, văn hóa
truyền thống đã ăn sâu, bén rễ, tích tụ trong mỗi vùng đất, hiện hữu sinh động
trong sinh hoạt và đời sống xã hội, luôn tồn tại trong nhận thức, tình cảm của
mỗi người dân, sẽ trường tồn cùng năm tháng nếu mỗi người biết giữ gìn, phát
huy, lan tỏa, không dễ mất đi chỉ vì việc sáp nhập, đổi tên vùng đất ấy.
Dịp
kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hẳn nhiều người
sẽ nhớ đến video clip từng lan truyền trên mạng xã hội, gây xúc động lòng
người, trong đó có hình ảnh một người mẹ liệt sĩ móm mém, bật khóc khi nhớ
người con đã hy sinh, nhưng vẫn khẳng định rằng: “Nếu giữ con thì mất nước”.
Cũng trong dịp này, một vị Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân đã chia sẻ với
phóng viên báo chí rằng, ngày 29-4-1975, trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn
trên cương vị đại đội trưởng xe tăng, khi cấp trên hỏi ông rằng: “Cậu có sợ
chết không?”, không do dự, ông trả lời ngay: “Báo cáo, chết thì ai cũng
sợ, nhưng thủ trưởng giao nhiệm vụ, tôi sẵn sàng hoàn thành!”. Rồi ông được
giao nhiệm vụ chỉ huy đơn vị tiến lên giữ cây cầu phía trước không bị đánh sập,
để quân ta tiến qua. Ông đã chỉ huy 4 xe tăng của đơn vị đánh thắng 24 xe tăng
địch. Thời khắc đầu tiên sau giải phóng, ngồi trên xe tăng, điều trước tiên mà
ông nghĩ đến là sẽ về quê thăm bố mẹ. Dẫu biết mọi sự so sánh đều khập khiễng,
nhưng vẫn cần dẫn giải như vậy để thấy rằng, ở mỗi thời khắc đòi hỏi sự cống
hiến cho Tổ quốc, người Việt Nam luôn sẵn sàng gác lại lợi ích riêng. Từ hai
câu chuyện trên lại càng thêm thấm thía ý nghĩa sâu xa trong phát biểu của Tổng
Bí thư Tô Lâm tại cuộc làm việc với Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIV của
Đảng ngày 17-3-2025. Sau khi chia sẻ với tâm trạng của nhân dân trong vấn đề
sắp xếp địa giới đơn vị hành chính, người đứng đầu Đảng ta đã gửi gắm đến mọi
người: “Đất nước là quê hương!”.
Để
cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được
tiến hành hiệu quả, cùng với phát huy trách nhiệm của các cấp, ngành, địa
phương và các cơ quan chức năng trong tổ chức thực hiện, cần tuyên truyền, giáo
dục, động viên để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, tích
cực tham gia bằng tinh thần xây dựng và những việc làm cụ thể, thiết thực. Song
song với đó, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc
chống tư tưởng vụ lợi, chống “chạy chọt” trong sắp xếp, tinh gọn; chống thái độ
làm việc cầm chừng, chờ đợi; chống tư tưởng cục bộ địa phương sau sáp nhập;
chống biểu hiện nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị lại khác... Đặc
biệt, kiên quyết không để các hoạt động chỉ đạo, điều hành cũng như các dịch vụ
công đối với người dân bị đứt gãy, gián đoạn trong quá trình sắp xếp, tinh gọn;
đồng thời phải lựa chọn được những người có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ,
trách nhiệm cao, bảo đảm cho bộ máy hệ thống chính trị hoạt động hiệu năng,
hiệu lực, hiệu quả sau sắp xếp, tinh gọn...
Những
bước chân thần tốc của các cánh quân 50 năm trước đã mang lại một nước Việt Nam
hòa bình, độc lập và thống nhất. Ở thời điểm mang tính bước ngoặt lịch sử này,
mỗi người, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên cần nêu cao bản lĩnh, trách
nhiệm để vững vàng hòa cùng bước đi thần tốc của cuộc cách mạng sắp xếp, tinh
gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, góp phần đưa đất nước vững bước vào kỷ
nguyên mới-kỷ nguyên giàu mạnh và thịnh vượng.
Theo quandoinhandan.vn