Nghệ An phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm, dột nát sớm hơn 90 ngày so với kế hoạch Trung ương
Sáng 11/5, Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà
dột nát trên phạm vi cả nước tổ chức Phiên họp lần thứ 4 theo hình thức trực
tiếp và trực tuyến.
Phiên
họp thứ 4 Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm
vi cả nước diễn ra sáng 11/5. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính
phủ, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì.
Đồng chủ trì có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng
ban Chỉ đạo: Nguyễn Hòa Bình - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đỗ Văn
Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, các đồng chí: Lê Hồng Vinh - Phó Bí
thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo vận
động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở
trên địa bàn tỉnh (Ban Chỉ đạo 1838); Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, Phó Trưởng
ban Chỉ đạo đồng chủ trì.
Tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thành
viên Ban Chỉ đạo: Phạm Trọng Hoàng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Ngọc
Kim Nam - Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ
tịch Thường trực HĐND tỉnh. Cùng dự có đồng chí Bùi Đình Long - Ủy viên Ban
Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở,
ngành.
Các
đồng chí: Lê Hồng Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban
Thường trực Ban Chỉ đạo 1838; Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, Phó Trưởng ban Chỉ
đạo 1838 đồng chủ trì tại điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Hoàn thành 76,51% nhu cầu
nhà ở cần xây mới, sửa chữa
Kết quả rà soát giai đoạn 2023-2025, tỉnh Nghệ An có 21.176 hộ
(xây mới 14.655 hộ, sửa chữa 6.521 hộ), bao gồm: Chương trình nhà ở từ nguồn
vận động xã hội hóa 10.718 hộ (xây mới 8.677 hộ, sửa chữa 2.041 hộ); Chương
trình hỗ trợ nhà ở của 2 Chương trình mục tiêu Quốc gia (Giảm nghèo bền vững và
Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) là
6.856 hộ (xây mới 4.139 hộ, sửa chữa 2.717 hộ); Chương trình hỗ trợ xây dựng,
sửa chữa nhà cho người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở 3.602 hộ (xây
mới 1.839 hộ, sửa chữa 1.763 hộ), cần hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở.
Tình
hình xóa nhà tạm, dột nát tại Nghệ An đến ngày 9/5/2025 và số lượng cần thực
hiện trong thời gian tới. Đồ họa: Thành Duy
Tính đến ngày 9/5/2025, tỉnh Nghệ An đã hoàn thành xây dựng, sửa
chữa 16.202 căn nhà (xây mới 11.642 căn, sửa chữa 2.560 căn) từ các chương
trình, đạt 76,51% nhu cầu với tổng kinh phí giải ngân hơn 967 tỷ đồng; trong đó
ngân sách nhà nước 354,13 tỷ đồng; xã hội hóa hơn 220 tỷ đồng; nguồn gia đình,
họ tộc, làng xóm hỗ trợ 393 tỷ đồng.
Hiện nay, tỉnh Nghệ An còn 4.974 căn (xây mới 3.013 căn, sửa
chữa 1.961 căn); trong đó 1.313 căn từ Chương trình nhà ở dột nát, tạm bợ
(Chương trình xã hội hóa), 1.128 căn từ 2 Chương trình MTQG, 2.533 căn từ
Chương trình hỗ trợ gia đình chính sách với cách mạng.
Tình
hình huy động nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Nghệ An. Đồ họa: Thành Duy
Để thực hiện tổng số nhà còn lại trên, với mức hỗ trợ 60 triệu
đồng/căn xây mới, 30 triệu đồng/căn sửa chữa, dự kiến số kinh phí để thực hiện
gần 240 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền hộ dân đối ứng, số lượng nhà phát sinh do bổ
sung nhu cầu rà soát, do phát sinh trong quá trình sửa chữa nhà sang xây nhà
mới…). Số kinh phí này được Trung ương, tỉnh cân đối và nguồn vận động xã hội
hóa đảm bảo đủ.
Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là khi các hộ còn lại chủ yếu
thuộc diện đặc biệt khó khăn, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa hoặc tạm vắng do đi
làm ăn xa, số nhà cần thực hiện hỗ trợ cho người có công với cách mạng còn
tương đối lớn,... song với quyết tâm cao nhất, toàn bộ hệ thống chính trị của
tỉnh đang dồn sức triển khai nhiệm vụ, đặt mục tiêu hoàn thành chương trình xóa
nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 31/7/2025, sớm hơn 90 ngày so với kế hoạch
Trung ương.
Bộ
trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung báo cáo kết quả thực hiện Chương
trình từ Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo đến nay. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại Phiên họp, các đại biểu thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm,
tập trung đánh giá kết quả triển khai Chương trình tại các bộ, ngành, địa
phương; làm rõ các khó khăn về thủ tục, phân bổ kinh phí, bố trí đất ở, nhân
lực, vật liệu và nguồn tiết kiệm chi thường xuyên năm 2024.
Thần
tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, quyết chiến, quyết thắng
Từ khi chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo được
phát động đến nay, toàn quốc đã đạt được nhiều kết quả tích cực và rõ nét. Cụ
thể, đã có gần 209.000 căn nhà được xử lý, trong đó 111.000 căn đã hoàn thành
và bàn giao cho người dân, 98.000 căn đang được khởi công xây dựng. Con số này
tương đương khoảng 77% so với tổng số nhu cầu hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo và
gia đình chính sách trên cả nước.
Tuy vậy, nhiệm vụ từ nay đến thời hạn ngày 31/10/2025 vẫn rất
nặng nề. Hiện vẫn còn khoảng 61.800 căn nhà tạm, nhà dột nát cần được xây mới
hoặc sửa chữa. Tính trung bình, mỗi ngày cả nước cần hoàn thành khoảng 364 căn
nhà; mỗi tỉnh, thành phố phải hoàn thiện ít nhất 8 căn nhà mỗi ngày. Đây là
khối lượng công việc rất lớn, trong khi thời gian còn lại chỉ khoảng 170 ngày
và chương trình liên quan đến nhiều cấp, ngành, địa phương, triển khai trên
phạm vi toàn quốc.
Thủ
tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu kết luận phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương, Thủ
tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu bật ý nghĩa và giá trị nhân văn sâu sắc
của chương trình.
Đây không chỉ là một chính sách an sinh đơn thuần mà còn là hành
động cụ thể hóa tư tưởng "dân là gốc", quan điểm nhất quán của Đảng
ta: Không có mục tiêu nào cao hơn việc giữ vững độc lập dân tộc và mang lại
cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Việc đảm bảo cho mọi người dân có nhà
ở vững chắc, không ai bị bỏ lại phía sau, chính là biểu hiện sinh động của chủ
trương lấy Nhân dân làm trung tâm, làm chủ thể trong mọi chính sách phát triển.
Các
đồng chí chủ trì tại điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Đồng thời, Thủ tướng cho rằng đây là hoạt động mang đậm giá trị
chính trị và nhân văn, góp phần thiết thực hướng tới các sự kiện trọng đại của
đất nước trong năm 2025 như: Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng, 80 năm thành
lập nước…
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, mục tiêu của chương trình không
thay đổi: Phải dứt khoát không để bất kỳ người dân nào tiếp tục sống trong nhà
tạm, nhà dột nát. Mốc hoàn thành không thay đổi là 31/10/2025.
Trong đó, cần ưu tiên hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách
mạng, đặc biệt là thân nhân và gia đình liệt sĩ phải hoàn thành trước ngày
27/7/2025; các gia đình có công khác cần được hoàn thiện nhà trước ngày
2/9/2025. Đây là những mốc thời gian có ý nghĩa chính trị, đạo lý sâu sắc, thể
hiện sự tri ân của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội với những người đã hy sinh,
cống hiến cho đất nước.
Các
đại biểu dự cuộc làm việc tại điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Một trong những thông điệp mạnh mẽ được Thủ tướng Chính phủ nhấn
mạnh là tinh thần toàn dân chung tay: Mỗi người góp một tay, mỗi gia đình dành
một phần. Ai có công góp công, ai có của góp của; người có ít góp ít, người có
nhiều góp nhiều. Đây không chỉ là giải pháp để đa dạng hóa nguồn lực mà còn là
cách để khơi dậy và lan tỏa tinh thần tương thân tương ái trong toàn xã hội.
Chính từ tinh thần ấy, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được triển khai
theo hướng toàn dân, toàn diện, bao trùm và rộng khắp.
Các
đại biểu dự cuộc làm việc tại điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Để đảm bảo các mục tiêu đề ra được thực hiện đúng tiến độ, Thủ
tướng yêu cầu các bộ, ngành, lực lượng vũ trang, địa phương cùng vào cuộc.
Trong đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cần chỉ đạo các quân khu,
quân đoàn, Bộ đội Biên phòng, các đơn vị kinh tế quốc phòng và lực lượng công
an cơ sở, đơn vị cơ động đóng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với chính quyền
địa phương để hỗ trợ triển khai những công việc cụ thể, phù hợp điều kiện từng
nơi. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục phát
huy vai trò, phối hợp thực hiện hiệu quả.
Các
đại biểu dự cuộc làm việc tại điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đặc biệt nhấn mạnh vai
trò của người đứng đầu các địa phương và cơ quan liên quan. Việc triển khai
chương trình cần quán triệt phương châm: “Đã nói là làm, đã cam kết thì phải
thực hiện, đã làm thì phải có sản phẩm, kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được”.
Người đứng đầu phải sát sao chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát, tháo gỡ
các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thẩm quyền, không để tình trạng trì
trệ, hình thức.
Trong quá trình triển khai, Thủ tướng lưu ý thêm một số vấn đề
quan trọng như huy động, sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu tại chỗ để tiết kiệm
chi phí và đảm bảo tiến độ; thiết kế nhà phù hợp điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng
và phong tục tập quán từng vùng; bố trí kinh phí hợp lý, minh bạch.
Cùng với đó, công tác thi đua khen thưởng cần được đẩy mạnh,
nhằm kịp thời động viên, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong quá
trình triển khai chương trình. Đồng thời, cần nghiêm túc phê bình những tập
thể, cá nhân còn lơ là, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Các
đại biểu dự cuộc làm việc tại điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 là nhiệm vụ
hết sức có ý nghĩa, đồng thời rất nặng nề nhưng rất vinh quang, tự hào, cũng là
sứ mệnh của mỗi cán bộ, lãnh đạo và là tình cảm trong trái tim, lương tri,
trách nhiệm đối với cộng đồng.
“Vì vậy, rất mong các cấp, ngành, các đồng chí thể hiện tinh
thần này trong lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý các việc phát sinh, tổ chức thực hiện;
đồng thời động viên, khuyến khích toàn xã hội, doanh nghiệp chung tay vào việc
này”, Thủ tướng nhấn mạnh trước khi kết thúc cuộc làm việc: “Thời điểm đặc
biệt, khí thế đặc biệt, nỗ lực đặc biệt, tạo nên kết quả đặc biệt. Thần tốc,
thần tốc hơn nữa, táo bạo và táo bạo hơn nữa, quyết chiến, quyết thắng, đề cao
trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân...”