Tổng Bí thư Tô Lâm: Nghệ An phải là hình mẫu phát triển hiện đại trong kỷ nguyên mới
Tại
cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An vào sáng 15/5, đồng chí Tổng Bí
thư Tô Lâm đã có phát biểu sâu sắc, tâm huyết, gợi mở nhiều định hướng phát
triển cho tỉnh. Báo Nghệ An lược ghi phát biểu.
Đồng
chí Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ và xúc động cùng đoàn công tác của Trung ương trở
lại Nghệ An - vùng đất "địa linh, nhân kiệt", nơi hun đúc khí chất
của những con người kiên trung, tài hoa và khí phách. Đây không chỉ là mảnh đất
lịch sử, mà còn là vùng đất tiêu biểu của khát vọng vươn lên, vượt khó, chinh
phục mọi đỉnh cao.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình
cảm cá nhân sâu sắc, Tổng Bí thư thân ái gửi tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh và
qua các đồng chí gửi tới toàn thể các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam
Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, Đảng bộ, chính quyền,
quân và Nhân dân tỉnh là lời thăm hỏi ân cần và những lời chúc tốt đẹp nhất.
Đồng chí Tổng Bí thư
Tô Lâm phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Cường
Xứ Nghệ là vùng đất giàu truyền thống yêu nước
và cách mạng, nơi sản sinh ra nhiều anh hùng, danh nhân, tướng lĩnh, chí sĩ,
doanh nhân tài ba, đặc biệt tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ
đại của Đảng và dân tộc ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế
giới; cùng nhiều chiến sĩ cách mạng kiên trung như Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị
Minh Khai, Phan Đăng Lưu... Nghệ An cũng là quê hương của cao trào Xô viết Nghệ
Tĩnh 1930 - 1931, biểu tượng sớm nhất của chính quyền công - nông trong lịch sử
cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Chính
truyền thống “sâu rễ, bền gốc” ấy là điểm tựa tinh thần vững chắc, là nguồn lực
nội sinh quý báu nuôi dưỡng bản lĩnh, khí chất và khát vọng đi lên của đất và
người xứ Nghệ. Hôm nay, làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi rất phấn khởi
nhận thấy Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Nghệ An đang tiếp nối xứng đáng mạch
nguồn lịch sử ấy bằng những bước phát triển toàn diện, vững chắc trên tất cả
các lĩnh vực".
Tổng Bí thư đánh giá: Dù bước vào nhiệm kỳ Đại
hội Đảng bộ tỉnh trong bối cảnh có rất nhiều biến động toàn cầu mang tính phức
tạp, khó lường cả trên bình diện địa chính trị, địa kinh tế, nhiều khó khăn
ngoài dự báo xuất hiện..., nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ,
chính quyền, nhân dân tỉnh Nghệ An đã thể hiện bản lĩnh vượt khó, bứt phá ngoạn
mục trên nhiều lĩnh vực.
Giai đoạn 2020 - 2024, tốc độ tăng trưởng tổng
sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân đạt 7,98%, cao hơn mức bình quân cả
nước. Riêng năm 2024 đạt 9,01%, quý 1 năm 2025 đạt 8,0%. Quy mô nền kinh tế xếp
thứ 10, thu NSNN đứng thứ 17 cả nước.
Quang cảnh Khu công
nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Duy
Điểm sáng đặc biệt là thu hút đầu tư nước
ngoài (FDI): từ một "vùng trũng" trong thu hút đầu tư, Nghệ An đã
vươn lên nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước, với hơn 4,8 tỷ USD chỉ trong 3 năm, gấp
4,5 lần cả giai đoạn trước năm 2020. Đặc biệt, sự xuất hiện của các tập đoàn
công nghệ lớn như Luxshare, Goertek, Foxconn... đã tạo nền tảng mới để hình
thành các chuỗi sản xuất công nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra mạnh mẽ:
khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm gần 80% GRDP. Kim ngạch xuất
khẩu đạt 3,7 tỷ USD, gấp đôi mục tiêu Đại hội đề ra. Khu vực nông nghiệp đang
chuyển mình mạnh mẽ với gần 23,2 nghìn ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao, mở ra hướng phát triển nông nghiệp xanh, thông minh và bền vững.
Hạ tầng được đầu tư đồng bộ, kết nối chiến
lược như: đường cao tốc, cảng biển, sân bay, các tuyến đường kết nối vùng và
biên giới. Thành phố Vinh đang từng bước trở thành trung tâm vùng với cơ sở y
tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, hệ thống công nghệ số và quản trị đô
thị thông minh phát triển nhanh chóng.
Quang cảnh nông thôn
mới ở huyện Yên Thành. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng
Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết
quả tích cực với 77% số xã đạt chuẩn, chương trình xóa nhà tạm rất ấn tượng với
hơn 16.500 căn nhà mới đã được hoàn thành trong chưa đầy 2 năm. Các lĩnh vực
văn hóa, giáo dục, y tế có bước phát triển rõ nét; tỉnh giữ vững vị trí dẫn đầu
toàn quốc về tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Mạng lưới y tế tuyến huyện
được củng cố, một số bệnh viện đạt chuẩn tuyến cuối vùng.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
được chú trọng, công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy được quan tâm kịp thời; quốc
phòng, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo nền tảng
vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá
cao mô hình “sạch về ma túy”, với điểm sáng nổi bật là 27/27 xã biên giới “sạch
về ma túy”, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh trật tự, đẩy lùi tệ
nạn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân.
Những kết quả này thể hiện rõ tinh thần đoàn
kết, thống nhất của hệ thống chính trị; sự quyết liệt, năng động trong lãnh
đạo, chỉ đạo; sự nỗ lực, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân
dân tỉnh Nghệ An.
Đoàn công tác Trung
ương, tỉnh Nghệ An tiếp thu ý kiến phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.
Ảnh: Thành Cường
Thay mặt Bộ Chính trị và đoàn công tác Trung
ương, Tổng Bí thư Tô Lâm chúc mừng và biểu dương những thành tựu quan trọng,
toàn diện mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Nghệ An đã đạt được trong
thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả quan trọng, chúng ta
cũng cần nhìn rõ những “nút thắt” phát triển của tỉnh.
GDP đứng thứ 10, nhưng ngân sách tỉnh mới chỉ
tự cân đối được 50%. Thu nhập bình quân đầu người vẫn thấp, chỉ bằng khoảng 50%
thu nhập trung bình cả nước, khoảng cách lớn về phát triển và thu nhập giữa
vùng đồng bằng, ven biển với miền núi, biên giới, vùng đông đồng bào dân tộc
thiểu số. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững; tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn
bình quân chung cả nước. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là thách thức
về công bằng xã hội, ổn định xã hội và phát triển bền vững trong dài hạn. Chúng
ta đã giành chính quyền từ 80 năm trước, do vậy không có lý do gì mà để đến nay
dân vẫn còn nghèo, còn đói ăn, thiếu mặc. Nếu không xóa nghèo thì chúng ta có
lỗi lớn với nhân dân.
Nghệ An còn nhiều tiềm năng nhưng chưa được
phát huy, chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa có nhiều dự án lớn, có tính
động lực, tạo đột phá cả về chuyển dịch cơ cấu và lan tỏa công nghệ. Doanh
nghiệp quy mô nhỏ, đông nhưng chưa mạnh.
Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực
còn bất cập. Tinh thần đột phá, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các
nhiệm vụ, mục tiêu cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn...
Tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng có một số tiềm
năng nổi bật: tiêu biểu là tiềm năng về nguồn lực con người (dân số đông, nhân
lực thông minh, chăm chỉ, có ý chí và khát vọng vươn lên, lực lượng lao động
trẻ dồi dào); tiềm năng về tài nguyên tự nhiên (diện tích đất lớn, giàu tài
nguyên biển, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản); tiềm năng về vị trí chiến
lược và khả năng kết nối (Nghệ An nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây; trên
đường cao tốc Bắc - Nam; cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn; liên kết thuận lợi với
các khu kinh tế Thanh Hóa và Hà Tĩnh).
Những tiềm năng chiến lược đó không tự nó trở
thành sức mạnh. Chỉ có tư duy đột phá, hành động quyết liệt và khát vọng đủ lớn
mới biến tiềm lực thành hiện thực, đưa Nghệ An thành cực tăng trưởng tầm quốc
gia.
Tổng Bí thư đề nghị tỉnh cần mạnh dạn bước ra
khỏi quán tính phát triển cũ, hướng tới một mô hình tăng trưởng hiện đại hơn,
lấy công nghệ và tri thức làm động lực, lấy đổi mới thể chế và quản trị làm đòn
bẩy, lấy con người và văn hóa xứ Nghệ làm nền tảng.
Nghệ An cần tận dụng thời cơ lịch sử khi được
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW, được trao cơ chế đặc thù để không
chỉ “phấn đấu trở thành tỉnh khá” như Bác Hồ từng căn dặn, mà xa hơn, phải trở
thành mô hình phát triển hiện đại của miền Trung trong kỷ nguyên mới. Đây là
lúc không thể chờ đợi mà phải tiên phong.
Các đồng chí lãnh đạo
tỉnh Nghệ An tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Cường
Trong bối cảnh thế giới chuyển động nhanh,
sâu, rộng dưới tác động của trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, chuyển đổi năng lượng
và dịch chuyển địa chính trị toàn cầu, Nghệ An cần lựa chọn cho mình một hướng
đi bền vững, có chiều sâu. Nghệ An được giao chỉ tiêu tăng trưởng 10,5% năm
2025, đây là thách thức không nhỏ đối với tỉnh. Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Nghệ
An tập trung cao vào một số định hướng lớn sau:
Điều
quan trọng trước tiên và căn bản nhất là phải đảm bảo môi trường an ninh, an toàn, thuận lợi để
phát triển, để nâng cao đời sống nhân dân. Đảng phải giữ vai trò trung tâm
trong tất cả các quyết sách. Phải tiếp tục giữ vững quốc phòng, an ninh trên
địa bàn tỉnh, quân khu và cả vùng, tạo thế trận phòng thủ vững chắc bảo vệ độc
lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Phải chủ động nắm chắc tình hình không để bị
động, bất ngờ; không để các thế lực thù địch sử dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo
để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chú trọng giữ vững an ninh biên giới, nhiệm vụ
này không chỉ là giữ đất, giữ rừng, mà còn là giữ lòng dân, giữ bản sắc văn hóa
dân tộc; nâng cao ý thức quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận lòng dân vững
chắc. Đồng thời, thực hiện tốt công tác đối ngoại với nước bạn Lào, tạo ra vùng
biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển.
Nhiệm vụ rất quan trọng tiếp theo là tiếp tục
sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, bảo đảm “tinh,
gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”. Nghệ An cần triển khai mô hình chính
quyền 2 cấp (tỉnh và cơ sở) đảm bảo hiệu quả, thông suốt để phát huy tốt nguyên
tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Đặc biệt, công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ
tỉnh Nghệ An lần thứ XX không chỉ là tổng kết một nhiệm kỳ, mà phải là dịp quan
trọng để “thiết kế lại tư duy phát triển”, tái định hình mục tiêu dài hạn, lựa
chọn chiến lược đổi mới phù hợp với thời đại, và chuẩn bị nhân sự thật sự tiêu
biểu, có khát vọng lớn, năng lực dẫn dắt và tư duy tích hợp đa ngành, đa chiều.
Công tác nhân sự phải là quá trình lựa chọn
công tâm khách quan, kỹ lưỡng, đảm bảo xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ phẩm
chất, năng lực, bản lĩnh chính trị và tư duy đổi mới, không những “đủ đức, đủ
tài” mà còn phải “đủ tâm, đủ tầm, đủ sức, đủ nhiệt huyết cách mạng” vì sự phát
triển đi lên của tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần tập trung cao độ cho
nhiệm vụ trọng tâm mang tính chiến lược là lãnh đạo tổ chức thành công đại hội
đảng bộ các cấp, đặc biệt là Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ
2025 - 2030. Đây không chỉ là yêu cầu về mặt tổ chức, mà còn là thời điểm then
chốt để đánh giá khách quan chặng đường đã qua, nhìn nhận đúng thực tiễn, đồng
thời kiến tạo tầm nhìn phát triển dài hạn, phù hợp với bối cảnh mới, yêu cầu
mới và khát vọng vươn lên mạnh mẽ hơn nữa của tỉnh. Thành công của đại hội các
cấp, của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX sẽ là tiền đề trực tiếp, quan trọng,
bước chuẩn bị căn cơ để Nghệ An bứt phá mạnh mẽ hơn trong nhiệm kỳ tới.
Việc tổ chức đại hội phải bám sát tinh thần
Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 14/4/2025 và những chỉ thị liên quan của Bộ Chính trị
về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của
Đảng; trong đó đặc biệt chú trọng hai khâu cốt lõi: xây dựng văn kiện và chuẩn
bị nhân sự.
Một góc trung tâm
thành phố Vinh. Ảnh: Thành Duy
Thứ
hai, là đột phá về tư
duy và thể chế phát triển: Tỉnh cần mạnh dạn chuyển từ “phát triển theo chiều
rộng” sang “tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo, hiệu quả và giá trị gia tăng
cao” dựa trên khoa học, công nghệ và con người, bảo đảm hài hòa, bền vững giữa
kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường. Chuyển đổi tư duy từ “quản lý” sang
“kiến tạo -phục vụ”.
Nghệ An cần xây dựng các “vùng động lực vệ
tinh”, ở khu vực miền núi, từng bước hình thành trung tâm cụm xã phát triển
toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, hạ tầng thương mại, tài chính vi
mô và dịch vụ công số cơ sở. Chú trọng phát triển bao trùm, hỗ trợ sinh kế bền
vững, giúp người dân chủ động vươn lên thoát nghèo. Lưu ý mọi người dân đều
được quan tâm trên hành trình tiến về phía trước. Đây không chỉ là trách nhiệm
chính trị mà còn là đạo lý phát triển.
Thứ ba, phát triển nền kinh tế trên 4 trụ cột
chiến lược: Nghệ An cần xây dựng một mô hình tăng trưởng hiện đại, có chiều sâu
và năng lực thích ứng cao, dựa trên 4 trụ cột kinh tế chiến lược bao gồm kinh
tế xanh - kinh tế số - kinh tế biển – kinh tế tri thức. Phát triển nông nghiệp
hữu cơ, công nghiệp sạch, đô thị sinh thái và kinh tế tuần hoàn, các ngành dịch
vụ chất lượng cao. Tỉnh cần có cơ chế khuyến khích mạnh doanh nghiệp đổi mới
sáng tạo, ứng dụng công nghệ 4.0 (như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ số,...)
để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh.
Nghệ An phải nhanh chóng đưa Nghị quyết số
57-NQ/TW của Bộ Chính trị “về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới
sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” vào cuộc sống; cần đẩy mạnh chuyển đổi số
toàn diện, hình thành các vùng sản xuất số trong nông nghiệp và công nghiệp,
phát triển hạ tầng viễn thông, dữ liệu mở và dịch vụ công trực tuyến đồng bộ từ
tỉnh đến xã. Phấn đấu đến năm 2030, Nghệ An cơ bản hoàn thành chính quyền số,
đạt mức cao về chỉ số kinh tế số và xã hội số. Ươm tạo doanh nghiệp khoa học công
nghệ, startup đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, thương
mại số, AI ứng dụng, an ninh mạng, quản lý đô thị thông minh.
Thứ tư, phát triển kinh tế tư nhân trở thành “một
động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế; Nghệ An cần tập trung hoàn thiện thể
chế, chính sách và môi trường phát triển cho khu vực tư nhân theo hướng đồng
bộ, ổn định, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh.
Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu tỉnh Nghệ An phải
tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu thuộc nhóm 10 tỉnh
dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách
hành chính (PAR INDEX), Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự
phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS); thuộc nhóm 15 tỉnh dẫn đầu Chỉ số hiệu
quả quản trị và hành chính công (PAPI); riêng đối với chỉ số chuyển đổi số
(DTI) cần phải nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, phấn đấu thuộc nhóm khá của cả nước trong
thời gian sớm nhất.
“Chúng ta phải cải cách một cách thực chất,
mạnh dạn cắt bỏ những thủ tục rườm rà, nâng cao trách nhiệm công vụ, đưa công
nghệ số vào mọi khâu quản trị để tạo dựng chính quyền hiện đại, minh bạch, hiệu
quả, hướng tới 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh và 90% tại cấp xã được xử lý
trên môi trường mạng để người dân cảm thấy dịch vụ công thuận lợi thực sự, thực
chất, chứ không phải làm trên môi trường mạng nhưng nhân dân vẫn phải đi lại,
chờ đợi lâu, vất vả, mất thời gian hơn cách làm trực tiếp thông thường”, Tổng
Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Đồng chí Tổng Bí thư
Tô Lâm phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Cường
Phải chủ động xây dựng hệ sinh thái khởi
nghiệp và đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp tư nhân, không chỉ gồm vốn và hạ
tầng, mà còn gồm chính sách ưu đãi thông minh, môi trường cạnh tranh công bằng
và hệ thống tư vấn, đào tạo, kết nối hiệu quả.
Tỉnh cần thúc đẩy hình thành các cụm liên kết
ngành, chuỗi giá trị vùng do doanh nghiệp tư nhân làm trung tâm. Thúc đẩy liên
kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các tập đoàn lớn, các trường đại học,
viện nghiên cứu để cùng nâng tầm năng lực cạnh tranh. Phát triển kinh tế tư
nhân cũng đòi hỏi phải nâng cao năng lực quản trị, đạo đức kinh doanh, bản lĩnh
hội nhập và trách nhiệm cộng đồng của đội ngũ doanh nhân.
Nghệ An cần nuôi dưỡng một thế hệ doanh nhân
xứ Nghệ mới, giàu khát vọng, bản lĩnh, trí tuệ, có tâm và có tầm, những người
không chỉ làm giàu chính đáng, mà còn tiên phong cống hiến vì sự phát triển
phồn vinh, bao trùm và nhân văn của quê hương.
Sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư
nhân chỉ có thể thực hiện được khi song hành với một chính quyền đồng hành,
thân thiện và minh bạch. Chính quyền các cấp phải coi sự thành công của doanh
nghiệp là thành công của địa phương, chủ động tháo gỡ khó khăn, bảo vệ quyền
tài sản, bảo đảm an toàn đầu tư và tạo dựng một môi trường kinh doanh minh
bạch, công bằng, tin cậy, chi phí thấp.
Thứ năm, lấy con người xứ Nghệ làm trung tâm và động
lực phát triển.
Nghệ An là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi
kết tinh truyền thống hiếu học, yêu nước, cách mạng và nhân văn sâu sắc, cần
xác lập trụ cột phát triển văn hóa - con người như một “hệ sinh thái mềm” nền
tảng, tạo nên bản sắc riêng và sức sống nội sinh cho toàn bộ tiến trình phát
triển.
Trước hết, cần phát triển toàn diện, có chiều
sâu giáo dục - đào tạo, từ giáo dục phổ thông chất lượng cao, đến giáo dục nghề
nghiệp hiện đại, giáo dục đại học, và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nghệ An
phải hình thành và lan tỏa mạnh mẽ “không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, tinh thần
học và làm theo Bác phải thấm đẫm trong hành vi ứng xử, đạo đức công vụ, tinh
thần phụng sự nhân dân của từng cán bộ, đảng viên, công chức. Không gian ấy
phải sống trong đời sống thường nhật, trong môi trường công sở, trong gia đình
và học đường, trở thành nền tảng tinh thần và chuẩn mực phát triển của xã hội
Nghệ An.
Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ sinh thái văn hóa
đặc sắc, vừa bảo tồn, vừa sáng tạo và lan tỏa: từ di sản vật thể đến phi vật
thể, từ làn điệu dân ca đến lễ hội truyền thống, từ nghề thủ công đến biểu
tượng hiện đại. Cần kết nối văn hóa truyền thống với công nghệ số để phát triển
các ngành công nghiệp văn hóa, du lịch thông minh, giáo dục trải nghiệm, truyền
thông sáng tạo, biến văn hóa trở thành nguồn lực kinh tế và sức mạnh mềm cạnh
tranh.
Trên tất cả, chính con người Nghệ An một khi
được phát triển toàn diện cả về trí tuệ, kỹ năng, đạo đức, thể chất và tinh
thần thì sẽ trở thành chủ thể đủ khả năng dẫn dắt mọi mô hình tăng trưởng. Một
thế hệ mới mang bản sắc xứ Nghệ, đủ khát vọng, đủ tri thức, đủ phẩm chất và
năng lực làm chủ thời đại, sẽ là lực lượng dẫn dắt tỉnh nhà bước vào hành trình
phát triển nhanh, xanh, bền vững và có chiều sâu bản sắc trong thế kỷ XXI.
Cần khơi dậy tinh thần tiên phong: Nghệ An đi
trước, vượt trước. Tổng Bí thư Tô Lâm tha thiết kêu gọi toàn thể đội ngũ cán
bộ, đảng viên, doanh nghiệp và Nhân dân tỉnh Nghệ An hãy cùng nhau khơi dậy
mạnh mẽ tinh thần tiên phong, tinh thần đã từng làm nên một Nghệ An “đi đầu dậy
trước” trong các phong trào yêu nước, cách mạng giải phóng dân tộc, và kiến
quốc sau hòa bình.
Thứ
sáu, xây dựng Đảng vững
mạnh, chính quyền liêm chính, hiệu lực, hiệu quả. Là quê hương của Chủ tịch Hồ
Chí Minh - người khai sáng tư tưởng và mô hình tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam,
Nghệ An có trách nhiệm chính trị và đạo lý đặc biệt trong việc xây dựng Đảng bộ
tỉnh thật sự trong sạch, vững mạnh, kiểu mẫu về bản lĩnh chính trị, trí tuệ tổ
chức, đạo đức công vụ và phương pháp lãnh đạo. Đây không chỉ là nhiệm vụ thường
xuyên, mà phải trở thành một trụ cột phát triển mang tầm chiến lược.
Trước hết, Nghệ An cần tiếp tục đổi mới mạnh
mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng khoa học, thực chất, gần dân, gắn
lý luận với thực tiễn, gắn vai trò Đảng với năng lực kiến tạo chính sách và
kiểm soát quyền lực. Công tác lãnh đạo phải lấy hiệu quả phát triển và sự hài
lòng của nhân dân làm thước đo trung tâm, tránh hình thức, hành chính hóa hay
xa rời thực tiễn.
Tỉnh cần kiên quyết sắp xếp bộ máy của hệ
thống chính trị tinh gọn, đồng bộ và chuyên nghiệp, trên tinh thần “một việc -
một đầu mối - một người chịu trách nhiệm”. Mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là
người đứng đầu, phải thực sự gương mẫu, có năng lực đổi mới, hành động quyết
liệt, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì việc chung.
Xây dựng Đảng bộ vững mạnh và chính quyền liêm
chính chính là điều kiện tiên quyết để tỉnh Nghệ An thực hiện thành công mọi
mục tiêu kinh tế - xã hội, phát triển bao trùm và bền vững, xứng đáng với vai
trò là cực tăng trưởng mới, là tiêu biểu về “chính trị - đạo đức - trí tuệ”
trong lòng nhân dân cả nước.
Đưa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
phải trở thành ý thức tự giác, là văn hóa chính trị của hệ thống. Nghệ An cần
xây dựng một nền hành chính công khai, minh bạch, liêm chính và kỷ luật, trong
đó kiểm tra, giám sát nội bộ phải gắn chặt với trách nhiệm giải trình và văn
hóa chịu trách nhiệm tổ chức của từng cơ quan.
Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: Trong bối cảnh
đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của khát vọng hùng cường, hội
nhập toàn diện và đổi mới sâu rộng, tinh thần ấy càng phải được thắp sáng bằng
hành động cụ thể của đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị của Nghệ An.
Với vị thế là tỉnh có diện tích lớn, dân số đông, truyền thống cách mạng sâu
sắc, sức mạnh vốn con người và đã được Trung ương trao cơ chế đặc thù, Nghệ An
có thể và cần đi trước một bước trong tư duy chiến lược, mô hình phát triển và
phương thức hành động.
Tỉnh phải trở thành điển hình phát triển địa
phương hiện đại trong kỷ nguyên mới, nơi hội tụ của quản trị tiến bộ, sáng tạo
xã hội, năng lực công nghệ và khát vọng con người. Nghệ An không chỉ đang đứng
trước một cơ hội phát triển mới, mà còn đứng trước một thử thách của bản lĩnh,
của tầm nhìn và của sự lựa chọn. Đây là lúc Nghệ An phải hành động bằng tinh
thần của người tiên phong.
Thay mặt Đoàn công tác của Trung ương, đồng
chí Tổng Bí thư Tô Lâm chúc tỉnh Nghệ An không ngừng vươn lên, phát triển thịnh
vượng, xứng đáng là trung tâm của vùng và là niềm tự hào của cả nước.
Nghệ
An đang hướng tới trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ. Trong ảnh: Một
góc TP Vinh Ảnh: Sách Nguyễn
Theo
Baonghean.vn